Bộ văn kiện cơ bản (hay hệ thống các Hiệp định) của WTO

1. Khái quát chung
Hệ thống các hiệp định của WTO đến nay gồm các hiệp định của WTO điều chỉnh thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ và thương mại liên quan đến sở hữu trí tuệ. Các hiệp định này khẳng định những nguyên tắc, luật chơi cơ bản trong thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ và thương mại liên quan đến sở hữu trí tuệ trên phạm vi toàn cầu mà các nước, các tổ chức, cá nhân tham gia quan hệ thương mại quốc tế cần tuân thủ và cả những ngoại lệ mà các nước, tổ chức, cá nhân đó có thể được phép áp dụng. Các hiệp định này cũng khẳng định những cam kết mà các nước đã đạt được trong quá trình đàm phán thương mại quốc tế thời gian qua về giảm thuế quan và các rào cản thương mại khác, về mở cửa và duy trì mở cửa thị trường dịch vụ, quy định về thủ tục giải quyết tranh chấp, về các quy định đối xử đặc biệt, đối xử khác biệt cho các nước đang phát triển và kém phát triển, về bảo đảm minh bạch, công khai trong chính sách, pháp luật thương mại quốc tế thông qua các quy định về thông báo cho WTO biết những luật lệ hiện hành và các biện pháp được áp dụng trong nước, về các báo cáo định kỳ của Ban thư ký về chính sách thương mại của các nước và các quy định khác.
Mục lục của cuốn sách “Kết quả Vòng đàm phán Urugoay về Hệ thống thương mại đa biên - Những văn kiện pháp lý” đã liệt kê khoảng 60 hiệp định, phụ lục, quyết định và bản ghi nhớ. Theo thống kê chưa đầy đủ của Ban thư ký WTO đến năm 1998, số lượng các văn bản pháp lý của WTO đến hơn ba vạn trang A4 điện tử. Đó là chưa tính đến các quyết định của các cơ quan giải quyết tranh chấp đưa ra theo các quy định của Hiệp định GATT 1947 từ năm 1948 đến khi thành lập WTO và đưa ra trong khuôn khổ của WTO từ năm 1996 đến nay. Các hiệp định này thường được gọi là luật lệ của WTO. Tuy nhiên, cũng cần chú ý, trên thực tế, các luật lệ của WTO rất chung, rất trừu tượng, có gắn kết với nhiều học thuyết kinh tế, thương mại quốc tế, các án lệ thương mại quốc tế và  pháp luật của các nước Thành viên WTO.               
Trong thực tiễn hoạt động thương mại, kinh doanh quốc tế, hệ thống các hiệp định quan trọng nhất của WTO đến nay bao gồm:
1) Hiệp định Marrakesh thành lập WTO (sau đây gọi chung là Hiệp định thành lập WTO). Đây là hiệp định nền tảng, hay còn gọi là “Hiệp định  Khung”,  bao trùm lên các hiệp định khác.
2) Các hiệp định đa biên về thương mại hàng hóa, trong đó gồm:
Thứ nhất, Hiệp định GATT 1994.  Hiệp định này được cấu thành từ:
a) Hiệp định GATT 1947, tức Hiệp định GATT nguyên gốc của nó với những bổ sung, sửa đổi được thông qua trước khi Hiệp định thành lập WTO có hiệu lực;
b) Các Quyết định được các nước thành viên GATT thông qua trong phạm vi Hiệp định GATT 1947 cho đến ngày Hiệp định thành lập WTO có hiệu lực;
c) Các Bản thoả thuận đạt được ở Vòng đàm phán Uruguay về sáu lĩnh vực là: các khoản thu nhưng không phải thuế và phí; các doanh nghiệp quốc doanh; các quy định về cán cân thanh toán; các khu vực thương mại tự do và liên minh hải quan; khước từ các nghĩa vụ; và thông báo các mức thuế quan.
d) Các Lộ trình thuế quan và phương thức thực hiện các lộ trình đó như đã được thoả thuận ở Vòng đàm phán Uruguay.
Thứ hai, Các hiệp định đa biên khác trong lĩnh vực thương mại hàng hoá, cụ thể gồm 12 hiệp định bao trùm các lĩnh vực sau: nông nghiệp; các biện pháp vệ sinh y tế và vệ sinh thực vật; dệt và may mặc; các hàng rào kỹ thuật trong thương mại; các biện pháp đầu tư liên quan tới thương mại; chống bán phá giá; định giá hải quan; giám kiểm hàng hoá trước khi giao hàng; các quy tắc xuất xứ; cấp giấy phép nhập khẩu; chống trợ cấp; các biện pháp tự vệ;
3) Hiệp định về thương mại trong các ngành dịch vụ hay còn gọi tắt là Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS);
4) Hiệp định về các khía cạnh thương mại của sở hữu trí tuệ (TRIPS);
5) Các quy định về Cơ chế thanh kiểm chính sách thương mại (TPRM) hay còn gọi là Cơ chế rà soát chính sách và pháp luật thương mại của các quốc gia thành viên;
6) Bản thoả thuận về Quy tắc và Thủ tục giải quyết tranh chấp (DSU);
7) Các hiệp định đa phương (không bắt buộc) trong bốn lĩnh vực là: mua bán máy bay dân dụng; mua sắm Chính phủ; sản phẩm sữa và sản phẩm thịt bò. Bốn Hiệp định này chỉ có giá trị bắt buộc thi hành đối với các nước thành viên WTO công nhận và phê chuẩn chúng. Hiệp định về sản phẩm sữa và Hiệp định về sản phẩm thịt bò đến nay đã không còn hiệu lực thi hành.
2. Vấn đề thực hiện các Hiệp định của WTO
Theo quy định tại khoản 2 Điều IX của Hiệp định thành lập WTO,  thì Hội nghị  Bộ trưởng và Đại hội đồng là hai cơ quan duy nhất có thẩm quyền riêng biệt trong việc giải thích Hiệp định thành lập WTO và các hiệp định thương mại đa biên của WTO.
Điều XIV Hiệp định thành lập WTO quy định các vấn đề công nhận và hiệu lực của Hiệp định. Vấn đề rút khỏi Hiệp định thành lập WTO  được quy định tại Điều XV. Theo quy định tại Khoản 5 Điều XVI Hiệp định thành lập WTO, thì các nước thành viên WTO không có quyền bảo lưu đối với các quy định của Hiệp định thành lập WTO, họ chỉ được thực hiện quyền này đối với các quy định của các các hiệp định thương mại đa biên trong phạm vi và mức độ mà các hiệp định cụ thể đó cho phép. Theo quy định tại Khoản 4 Điều XVI của Hiệp định thành lập WTO, các nước phải bảo đảm để các đạo luật, các quy định và thủ tục hành chính của nước mình phải phù hợp với các nghĩa vụ của họ được quy định trong các hiệp định của WTO.
Liên quan đến vấn đề này, Điều XXIV Khoản 12 của GATT 1947 quy định: " Mỗi Bên ký kết Hiệp định sẽ có những biện pháp hợp lý và trong phạm vị quyền hạn của mình để các chính phủ hay chính quyền địa phương trên lãnh thổ của mình tuân thủ các quy định của Hiệp định này". Điều XXVI Khoản 5a của GATT 1947 quy định tiếp: " a, Mỗi Chính phủ khi chấp nhận Hiệp định này là chấp nhận cho cả lãnh thổ chính quốc và lãnh thổ mà Chính phủ đó đại diện trên trường quốc tế, ngoại trừ các lãnh thổ quan thuế được Chính phủ đó có văn bản thông báo rõ cho Thư ký điều hành của các Bên ký kết vào thời điểm nộp văn bản chấp nhận." Theo quy định của GATT 1994, các điều khoản trên là bộ phận cấu thành của GATT 1994. Văn bản Giải thích Điều XXIV Khoản 12 của GATT 1994 nêu rõ : 


"         13. Mỗi thành viên phải chịu hoàn toàn trách nhiệm theo GATT 1994 về việc tuân thủ các quy định của GATT 1994, và sẽ thực hiện các biện pháp hợp lý đó khi có thể sẵn sàng đảm bảo sự tuân thủ như vậy bởi các chính quyền địa phương và các khu vực và các cơ quan trong lãnh thổ của họ.
          14. Các điều khoản của Điều XXII và Điều XXIII của GATT 1994 đã được hướng dẫn chi tiết và được áp dụng, Cách hiểu về Giải quyết tranh chấp có thể được viện dẫn đối với các biện pháp ảnh hưởng đến việc tuân thủ của Thành viên được thực hiện bởi các chính quyền địa phương hay khu vực hoặc các cơ quan trong lãnh thổ của một Thành viên. Khi Cơ quan giải quyết tranh chấp đã quyết định rằng một điều khoản của GATT 1994 chưa được tuân thủ, thì Thành viên có trách nhiệm phải thực hiện các biện pháp hợp lý khi có thể sẵn sàng để đảm bảo sự tuân thủ.
        15. Mỗi Thành viên thực hiện sự quan tâm ủng hộ sự phù hợp và có đầy đủ cơ hội cho việc tham vấn liên quan tới bất kỳ các đại diện nào do Thành viên khác cử ra liên quan đến các biện pháp ảnh hưởng tới sự triển khai GATT 1994 được thực hiện trong lãnh thổ của mình".
Như vậy, các quy định của WTO là rất rõ ràng về trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân của nước thành viên WTO trong thực thi các cam kết quốc tế của nước thành viên với WTO. Xuất phát từ yêu cầu này của WTO, các hoạt động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam phải bảo đảm tuân thủ với các nghĩa vụ của Việt Nam với WTO đã nêu trên.
 

Tác giả bài viết: TKT