Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho các đơn vị thuộc Bộ nhằm mục tiêu hoàn thành tốt kế hoạch CCHC của Bộ Công Thương giai đoạn 2016 – 2020.

Ngày 15/7/2015, tại Hội nghị sơ kết công tác cải cách hành chính (CCHC) giai đoạn I (2011 - 2015) của Bộ Công Thương, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho các đơn vị thuộc Bộ nhằm mục tiêu hoàn thành tốt kế hoạch CCHC của Bộ Công Thương giai đoạn 2016 – 2020.
 
Trọng tâm đẩy mạnh cải cách hành chính
Trong những năm qua, công tác CCHC luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong công tác quản lý hành chính Nhà nước các cấp từ Trung ương đến địa phương để hướng tới một nền hành chính Nhà nước trong sạch, vững mạnh, bảo đảm quản lý nhà nước thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả. Tại Bộ Công Thương, công tác CCHC luôn được Lãnh đạo Bộ, đứng đầu là Bộ trưởng và các Thứ trưởng dành sự quan tâm chỉ đạo sát sao, kịp thời, tạo động lực để hoạt động CCHC của Bộ đạt được kết quả cao, từ đó, góp phần tăng cường nhận thức, tạo chuyển biến rõ rệt trong hành động của cán bộ, công chức trong hệ thống cơ quan hành chính Nhà nước nói chung và cán bộ, công chức Bộ Công Thương nói riêng.
Nhằm tuyên truyền, phổ biến các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nội vụ và Lãnh đạo Bộ về công tác CCHC cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức Bộ Công Thương, hàng năm, Bộ Công Thương đều ban hành Kế hoạch truyền thông hỗ trợ hoạt động CCHC. Theo đó, công tác CCHC tại Bộ Công Thương thường xuyên được lồng ghép tại các cuộc họp giao ban tuần, giao ban tháng của Bộ Công Thương cũng như tại các hội nghị, hội thảo của Bộ. Ngoài ra, kế hoạch tập huấn công tác CCHC cho cán bộ, công chức của Bộ cũng được ban hành và triển khai thực hiện thường niên.
Việc triển khai Chương trình tổng thể CCHC, các đề án liên quan và triển khai các hoạt động CCHC của Bộ Công Thương đều bám sát nội dung và kế hoạch đã đề ra. Các văn bản chỉ đạo điều hành thực hiện CCHC được ban hành tương đối kịp thời, góp phần vào việc hoàn thành các nhiệm vụ CCHC với kết quả cao.
Các hoạt động CCHC của Bộ Công Thương đều bám sát nội dung và kế hoạch đã đề ra giúp tiết kiệm chi phí, phát huy năng suất lao động của cán bộ, công chức. Các văn bản chỉ đạo điều hành thực hiện CCHC được ban hành kịp thời, góp phần vào việc hoàn thành các nhiệm vụ CCHC giai đoạn 2011 - 2015 của Bộ với kết quả cao.
Công tác truyền thông về Chương trình, Kế hoạch CCHC được đẩy mạnh dưới nhiều hình thức góp phần hiệu quả vào việc tuyên truyền, giáo dục vai trò của công tác CCHC tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức Bộ và người dân, doanh nghiệp.
Tính đến hết tháng 3 năm 2015, tổng số thủ tục hành chính (TTHC) thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương là 381 thủ tục, trong đó Cục Điều tiết điện lực, Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Thị trường trong nước, Vụ Công nghiệp nhẹ, Cục Hóa chất… là những đơn vị có nhiều TTHC nhất.
Việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức đối với TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Công Thương được thực hiện thông qua các hình thức: điện thoại đường dây nóng tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị 04.222.02.115; website http://kstthc.moit.gov.vn. Ngoài ra, Bộ Công Thương còn thường xuyên tổ chức những hội nghị, hội thảo nhằm tăng cường đối thoại, khảo sát mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân về TTHC.
Tại Hội nghị sơ kết, Bộ Công Thương cũng đã thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế trong công tác CCHC giai đoạn I. Cụ thể, còn một số văn bản quy phạm pháp luật chưa được ban hành kịp thời, chưa đáp ứng được nhu cầu khách quan của xã hội; công bố, công khai TTHC chưa kịp thời, đầy đủ; công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về TTHC, quy định hành chính cần phải được đẩy mạnh hơn nữa; số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của Bộ Công Thương do nhiều nguyên nhân chưa được cung cấp đầy đủ theo đúng kế hoạch, v. v…
Năm 2020: 80% TTHC của Bộ đạt mức độ 3 và 4
Trình bày tham luận tại Hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Phạm Đình Thưởng cho biết: Bộ Công Thương đã ban hành kịp thời và đầy đủ hướng dẫn công tác kiểm soát TTHC. Với kết quả này, Bộ Công Thương được đánh giá là một trong những Bộ, ngành đầu tiên ban hành đầy đủ văn bản hướng dẫn. Hiện nay, Bộ Công Thương có hơn 300 TTHC. Để giảm bớt sự chồng chéo trong các TTHC, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký quyết định bãi bỏ và đơn giản 87 TTHC, trong đó có 81/87 TTHC đã thực hiện xong.
Những năm gần đây, Lãnh đạo Bộ Công Thương đã dành nhiều quan tâm, chỉ đạo sâu sát đến hạ tầng cơ sở của Bộ. Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (TMĐT & CNTT) nhấn mạnh tại Hội nghị: Được sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, sự phối hợp của các đơn vị, giai đoạn 2010 – 2015, hạ tầng CNTT Bộ Công Thương được cải thiện qua từng năm. Về công tác thông tin, truyền thông, Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương cũng đã thực hiện rất tốt công tác công khai, minh bạch thông tin (đặc biệt là mặt hàng xăng dầu, điện). Các tọa đàm trực tuyến, hội nghị truyền hình được tổ chức thường xuyên, ngày càng hiệu quả. Lãnh đạo Cục TMĐT & CNTT nhấn mạnh, rất khó loại bỏ hết các TTHC rườm rà, cách làm hiệu quả trước mắt là đơn giản hóa TTHC nhờ ứng dụng CNTT. Cục trưởng Trần Hữu Linh cho biết thêm: Bộ Công Thương hiện có khoảng 10% dịch vụ công đạt mức độ 3 và 4, đến năm 2020, Bộ Công Thương phấn đấu đạt 80% TTHC đạt mức độ 3 và 4.
Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Phan Văn Chinh chia sẻ tại Hội nghị những khó khăn của cán bộ xuất nhập khẩu. Mỗi ngày, việc giải quyết rất nhiều hồ sơ, thủ tục của doanh nghiệp xuất nhập khẩu gây áp lực cho những cán bộ xử lý. Cục trưởng Phan Văn Chinh hy vọng, thời gian tới, Lãnh đạo Bộ sẽ đầu tư hạ tầng CNTT nhiều hơn để các cán bộ Cục Xuất nhập khẩu tại các khu vực hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn.
Đối với các TTHC trong lĩnh vực hóa chất, Cục trưởng Cục Hóa chất Nguyễn Văn Thanh cho biết, thời gian qua, tỉ lệ khai báo hóa chất điện tử còn thấp. Bên cạnh đó, để công tác CCHC đạt hiệu quả, Cục Hóa chất đã đưa vào hoạt động đường dây nóng đặt tại Văn phòng Cục. Mọi cuộc gọi, thắc mắc của doanh nghiệp và người dân về các TTHC đều được ghi âm lại để các nhà quản lý ghi nhận tình hình cung cấp TTHC của Cục Hóa chất.
Công tác CCHC cần được lan tỏa và nhận được sự đồng thuận
Ông Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ CCHC, Bộ Nội vụ đánh giá: Báo cáo sơ kết và các tham luận trình bày tại Hội nghị đã cho thấy một bức tranh CCHC đạt được tương đối toàn diện. Theo ông, cải cách thể chế là thành tựu nổi bật nhất trong CCHC của Bộ Công Thương giai đoạn qua.
Theo đó, trong giai đoạn 2016 – 2020, Bộ Công Thương cần tinh gọn bộ máy, sắp xếp và nâng cao hiệu quả hoạt động. Ông Phạm Minh Hùng nhấn mạnh: Các giải pháp nâng cao hiệu quả mới là quan trọng bởi vì cái đích của cơ chế tự chủ là nâng cao chất lượng hoạt động. Bên cạnh đó, Vụ trưởng Vụ CCHC, Bộ Nội vụ góp ý, công tác CCHC của Bộ Công Thương phải lan tỏa và nhận được sự ủng hộ từ các địa phương; việc ứng dụng CNTT, dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương thời gian tới cần được đẩy nhanh hơn nữa. Ông Phạm Minh Hùng mong muốn có sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Công Thương, thúc đẩy quá trình CCHC đạt kết quả hơn nữa trong thời gian tới.
Kết luận tại Hội nghị sơ kết, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định: Bộ Công Thương luôn quan tâm đến lĩnh vực CCHC, tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức của các cán bộ, trong công tác CCHC, đặc biệt là CCTTHC, được dư luận tiếp nhận và đánh giá cao.
Bộ trưởng đã chỉ ra những hạn chế của công tác CCHC giai đoạn I như: Tình trạng chậm ban hành, nợ đọng văn bản; công tác công khai, công bố các TTHC chưa đến được người dân, xã hội, còn nhiều ý kiến băn khoăn về vấn đề này; sự phối hợp trong tổ chức thực hiện giữa Bộ và các Sở Công Thương còn chưa đồng bộ; nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 chưa đạt được như kỳ vọng, v. v…
Bộ trưởng chỉ đạo, công tác CCHC giai đoạn tới của Bộ cần: xây dựng hệ thống văn bản đúng quy định, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập sâu như hiện nay; tiếp tục nâng cao chất lượng cán bộ công chức và bộ máy để hoàn thành các nhiệm vụ trong giai đoạn tới, đáp ứng quá trình xây dựng kinh tế xã hội và hội nhập trong giai đoạn tới; CCHC công, hiện đại hóa công tác CCHC để phục vụ Chính phủ điện tử, v. v…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho các đơn vị thuộc Bộ nhằm mục tiêu hoàn thành tốt kế hoạch CCHC giai đoạn 2016 – 2020. Cụ thể, Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì xây dựng và theo dõi, đôn đốc triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch CCHC của Bộ và thực hiện nhiệm vụ thường trực CCHC của Bộ. Vụ Pháp chế chủ trì xây dựng và triển khai thực hiện lĩnh vực cải cách thể chế; chủ trì triển khai nhiệm vụ đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật đảm bảo tính hợp pháp, hợp lý, đồng bộ và khả thi của hệ thống VBQPPL trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ. Vụ Tài chính chủ trì xây dựng và triển khai thực hiện lĩnh vực cải cách tài chính công của Bộ. Cục TMĐT & CNTT chủ trì xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch hiện đại hóa nền hành chính của Bộ giai đoạn 2016 - 2020; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của Bộ, các đơn vị thuộc Bộ theo chương trình, kế hoạch. Văn phòng Bộ nâng cao tính chuyên nghiệp trong vai trò bộ phận một cửa cơ quan Bộ; đổi mới tư duy và tác phong làm việc, nâng cao chất lượng và thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, v.v...
Qua đánh giá sơ kết, rút kinh nghiệm công tác CCHC giai đoạn I (2011 – 2015), tại Hội nghị, đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công Thương đều xác định công tác CCHC giai đoạn II (2016 – 2020) cần tập trung vào những nội dung sau: Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành CCHC, phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị để đẩy mạnh CCHC; Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế nhằm xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trên cơ sở Hiến pháp mới; xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Đẩy mạnh cải cách TTHC nâng cao chất lượng TTHC trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, đảm bảo chỉ ban hành các TTHC thực sự cần thiết, dễ hiểu, dễ thực hiện; công bố, công khai TTHC để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nghiên cứu, thực hiện; Tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy, rà soát vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, biên chế của Bộ và các đơn vị thuộc Bộ; đẩy mạnh phân cấp đối với các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ; cải cách và triển khai trên diện rộng cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp; Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức gắn với thực tiễn; hoàn thiện các quy định của pháp luật về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức; Cải cách tài chính công, đảm bảo sử dụng tiết kiệm, hiệu quả ngân sách nhà nước; cải cách chính sách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với quy định của Chính phủ, Bộ Nội vụ; Đẩy mạnh hiện đại hóa hành chính, tăng cường ứng dụng CNTT vào giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp; kết hợp công tác phổ biến, tuyên truyền vai trò CCHC tới toàn tthể cán bộ CCVC và nhân dân để hiểu rõ và thực hiện.