Ngành Công Thương Điện Biên: Bước phát triển vượt bậc

Tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp đạt 9,67%/năm; điện lưới đã phủ đến hầu khắp các địa phương; hoạt động thương mại tiếp tục phát triển khá toàn diện… giai đoạn vừa qua, ngành Công Thương Điện Biên đã đạt nhiều kết quả khả quan, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế địa phương. Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Hồng Sơn, quyền Giám đốc Sở Công Thương Điện Biên xung quanh vấn đề này
Được coi là “xương sống” cho phát triển kinh tế, xin ông cho biết những thành tựu nổi bật của ngành Công Thương Điện Biên giai đoạn 2015-2020?

Trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo sát sao của tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh Điện Biên và Bộ Công Thương, bằng nhiều cố gắng cũng như sự chung tay nỗ lực của các cấp, ngành, các thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân và cán bộ công chức, viên chức người lao động trong ngành, hoạt động công thương đã đạt được những thành tựu nổi bật.

1623-unnamed-2

Cụ thể, về xây dựng và quản lý quy hoạch, sở đã hoàn thành và công bố triển khai thực hiện 2 quy hoạch: Quy hoạch phát điện lực tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016-2025, định hướng đến 2035; Quy hoạch phát triển công nghiệp - tiểu thù công nghiệp tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, triển khai thực hiện các quyết định của Bộ Công Thương và UBND tỉnh về việc bãi bỏ một số các quy hoạch thuộc lĩnh vực ngành quản lý theo quy định tại Luật Quy hoạch như Quyết định số 1282/QĐ-BCT ngày 28/12/2018 của UBND tỉnh Điện Biên bãi bỏ “Quy hoạch mạng lưới xăng dầu tỉnh Điện Biên giai đoạn đến năm 2020” nằm trong danh sách các quy hoạch đã được bãi bỏ của UBND tỉnh Điện Biên; Quyết định số 4977/QĐ-BCT ngày 27/12/2018 của Bộ Công Thương bãi bỏ “Quy hoạch hệ thống cửa hàng xăng dầu dọc tuyến quốc lộ 6 đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”.

1355mg-9401
Ông Vũ Hồng Sơn, quyền Giám đốc Sở Công Thương Điện Biên

Về phát triển công nghiệp, hoạt động công nghiệp trong 5 năm qua duy trì được tốc độ tăng trưởng và phát triển ổn định, đã tập trung khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế nhất của tỉnh, nhất là trong lĩnh vực thủy điện, sản xuất vật liệu xây dựng… Giá trị sản xuất công nghiệp từ năm 2016 đến hết năm 2020 (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 13.562 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân dự ước đạt 9,67%/năm.

Riêng phát triển nguồn và lưới điện, từ năm 2016 đến nay, có 5 nhà máy thủy điện đã được đi vào hoạt động (Trung Thu, Nậm Núa, Nậm Mu 2, Nậm Khẩu Hu, Na Son). Trên địa bàn tỉnh hiện có 11 nhà máy thủy điện đang hoạt động phát điện, tổng công suất lắp máy 137,3MW. Đến hết năm 2020, trên địa bàn tỉnh số hộ dân được sử dụng điện ước đạt tỷ lệ 92%.

Nhằm phát triển cụm công nghiệp, trong giai đoạn 2016-2020, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh thành lập 1 cụm công nghiệp; phê duyệt đề cương, dự toán lập quy hoạch chi tiết tiến tới lập dự án đầu tư cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Mường Ảng; chủ trương khảo sát lập dự án đầu tư cụm công nghiệp phía Đông huyện Tuần Giáo. Tỉnh cũng duy trì, phát triển 7 làng nghề cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; 2.643 cơ sở kinh tế cá thể, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế; giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, ổn định tình hình an ninh trật tự ở nông thôn.

Cùng với sự phát triển công nghiệp, hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, thu hút được nhiều thành phần kinh tế tham gia, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa và bình ổn thị trường. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2016-2020 ước đạt 55.892,6 tỷ đồng. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 71 cửa hàng xăng dầu, 38 chợ, 2 trung tâm thương mại, 3 siêu thị đạt tiêu chuẩn hạng III và 16 cơ sở hoạt động theo mô hình siêu thị.

Song song với đó, tổng kim ngạch xuất nhập hàng hóa, dịch vụ giai đoạn từ năm 2016-2020 ước đạt 372,96 triệu USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ ước đạt 256,76 triệu USD; Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 116,2 triệu USD.

Để đạt được những thành tựu trên, xin ông cho biết, thời gian qua, ngành Công Thương đã tham mưu cho tỉnh những giải pháp gì để tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy sự phát triển toàn diện và nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị trong ngành?

Trong những năm qua ngành Công Thương tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa, minh bạch, công khai các thủ tục hành chính, xây dựng ngày càng tốt hơn nền hành chính công theo hướng phục vụ. Bên cạnh đó, thực hiện tốt cơ chế “một cửa liên thông” trên các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành. Hướng tới mục tiêu xây dựng môi trường sản xuất kinh doanh, môi trường đầu tư thân thiện, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Bên cạnh đó, cung cấp đầy đủ thông tin về chính sách khuyến khích, hỗ trợ đồng bộ, hiệu quả cho các doanh nghiệp như: Hỗ trợ về vốn, tiếp cận các nguồn tín dụng; hỗ trợ về khoa học - kỹ thuật - công nghệ, hỗ trợ đổi mới dây chuyền, thiết bị sản xuất hiệu quả, sản xuất sạch hơn; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực trong doanh nghiệp; hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại, công tác khuyến công; tìm giải pháp giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kịp thời và hiệu quả.

Các thủ tục hành chính (TTHC) được kiểm soát, cập nhập, công bố đảm bảo thời gian, đúng quy định. Sở cũng thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung TTHC bị bãi bỏ trình UBND tỉnh phê duyệt và công bố danh mục TTHC thuộc lĩnh vực ngành Công Thương. Hiện tại, ngành Công Thương cung cấp 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết tại Sở Công Thương mức độ 2. Trên cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh và trên trang website của Sở, lĩnh vực công thương cấp tỉnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 là 17 TTHC, cấp độ 4 là 50 TTHC; cấp huyện: cấp độ 3 là 3 TTHC, cấp độ 4 là 5 TTHC.

Ngoài ra, ngành Công Thương đã tích cực tuyên truyền về các chính sách khuyến công, xúc tiến thương mại. Khảo sát xây dựng các đề án khuyến công, xúc tiến thương mại, hỗ trợ cho các doanh nghiệp ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, tham gia các hoạt động xúc tiến quảng bá, giới thiệu các sản phẩm hàng hóa, kết nối thị trường trong nước và nước ngoài, hỗ trợ nâng cao kỹ năng quản lý, phát triển ứng dụng thương mại điện tử… Các hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn tiếp cận với các kỹ thuật công nghệ tiên tiến, các kỹ năng nghề nghiệp qua đó tạo chuyển biến tích cực trong việc hiện đại hóa sản xuất, giảm sức lao động, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ XIV của tỉnh Điện Biên và hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Sở Công Thương Điện Biên đã đề ra kế hoạch và mục tiêu trọng tâm gì trong thời gian tới, thưa ông?

Giai đoạn 2021-2025, ngành Công Thương Điện Biên phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2021-2025 đạt tốc độ tăng trưởng từ 10%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 11,09%/năm; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ giai đoạn (2021-2025) đạt tốc độ tăng trưởng bình quân từ 8% - 10%/năm. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia trên địa bàn tỉnh đạt trên 98%.

Để hoàn thành mục tiêu này, Sở tiếp tục triển khai thực hiện các quy hoạch ngành. Tập trung triển khai có hiệu quả các khu, cụm công nghiệp hiện có tại các huyện: (Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Ảng). Thu hút đầu tư, tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ trung ương để đầu tư hạ tầng đối với 2 cụm công nghiệp tại huyện Tuần Giáo và Mường Ảng. Kêu gọi thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế vào các đề án, dự án phát triển công nghiệp, khuyến khích nhà đầu tư đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh như sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm sản, thực phẩm... Phát triển ngành khai thác khoáng sản đáp ứng nhu cầu phát triển ngành chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng và các ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Chú trọng khôi phục các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống. Đẩy mạnh việc phát triển công nghiệp nông thôn, gắn với triển khai hiệu quả chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" của tỉnh nhằm thúc đẩy sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm của địa phương.

Đồng thời, tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống nguồn và lưới điện để truyền tải công suất của các nhà máy thủy điện, điện mặt trời nối lưới... trên địa bàn tỉnh hòa vào lưới điện quốc gia; đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất sang hướng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, hoàn thành mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng thương mại và các cửa khẩu của tỉnh. Đặc biệt, vận dụng tối ưu các chính sách ưu đãi đầu tư của nhà nước đối với nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh. Cải cách các thủ tục hành chính; giải quyết kịp thời các vướng mắc của doanh nghiệp trong triển khai thực hiện các dự án, nhằm thu hút ngày càng nhiều các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển lĩnh vực công nghiệp - thương mại trên địa bàn tỉnh.

Nguồn tin: Báo Công Thương